Thùy Linh - 09:15 - 02/05/2021
 
Sáng ngày 22/4/2021, tại trụ sở Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho gia đình cố Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); Giáo sư Trương Hoàng Chương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc (trực thuộc VUSTA) cùng Huân chương Độc lập cho một số cá nhân nguyên là lãnh đạo của VUSTA.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng lễ trao tặng các danh hiệu cao quý cho các nhà khoa học của VUSTA lần này có ý nghĩa lớn trong việc tập hợp, kêu gọi các lực lượng khoa học-công nghệ Việt Nam, kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, để cùng nhau đoàn kết phát triển đất nước, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch nước khẳng định đất nước ta có được thành tựu như ngày nay là nhờ sự đóng góp to lớn của biết bao thế hệ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc; trong đó, có những cá nhân xuất sắc đã hy sinh hết mình vì Tổ quốc, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Anh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các nhà khoa học

Trao danh hiệu cao quý của Nhà nước cho thân nhân của Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng là một nhà nông nghiệp xuất sắc của Việt Nam và là nhà di truyền học lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng 4 khóa, từ khóa V đến khóa VIII, đại biểu Quốc hội 3 khóa và Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong 10 năm. Là người có 18 năm làm Chủ nhiệm Chương trình lương thực quốc gia, Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng là người quyết định thay đổi toàn bộ giống lúa năng suất thấp của Việt Nam bằng các giống lúa năng suất cao, góp phần đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ông đã nghiên cứu 26 giống lúa được công nhận giống nhà nước, 20 giống rau và 8 giống cây ăn quả cấp nhà nước. Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng đã cống hiến trọn đời cho khoa học, là tấm gương về sự tận tâm, nghiêm túc, sáng tạo khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp của Việt Nam và thế giới, luôn gắn bó với nông dân, với ruộng đồng.

Anh 2

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho gia đình cố Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng và Giáo sư Hoàng Chương

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự trân trọng đối với Giáo sư Trương Hoàng Chương về những nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, đóng góp quý giá vào công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian ở Việt Nam. Sau khi thôi chức Viện trưởng Viện nghiên cứu Sân khấu Việt Nam, năm 2000, Giáo sư đã sáng lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, nay là Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và là Viện trưởng từ đó đến nay. Theo Chủ tịch nước, sự đa dạng, phong phú, đặc sắc về văn hóa không chỉ là lợi thế cho ngành du lịch mà còn là đòn bẩy quan trọng cho tinh thần đoàn kết, kết nối và thu hút nguồn lực của đất nước. Giáo sư Hoàng Chương là một người hết lòng, đóng góp cho sự nghiệp văn hóa dân gian của đất nước.

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao những đóng góp khoa học của Tiến sỹ Khoa học Nghiêm Vũ Khải, Tiến sỹ Phạm Văn Tân, Tiến sỹ Phan Tùng Mậu - các nguyên lãnh đạo VUSTA và là những người vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập lần này.

Nhân sự kiện này, Chủ tịch nước đề nghị VUSTA chủ động, tích cực hơn nữa trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tiếp tục đóng góp vào mục tiêu đến năm 2045, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cùng với đó, cần tập hợp, đoàn kết trí thức ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài khơi dậy tinh thần cống hiến, năng lực sáng tạo, tâm huyết đóng góp xây dựng đất nước; chủ động tham mưu, đề xuất việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

Bạn nghĩ sao?