Báo Tầm nhìn - 17:58 - 22/04/2020
 
Bên cạnh việc huy động vốn trái phép từ khách hàng và nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án KDC Cầu Đò được xác định còn mang 136.711,3m2 đất (ước tính hơn 1.700 nền) đi cầm cố cho tổ chức, cá nhân để vay tiền …  

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi) vừa có văn bản số 27/2020/CV-TL về việc gia hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho khách hàng thuộc dự án KDC Cầu Đò (KĐT Mega City) tại xã An Điền (TX.Bến Cát, Bình Dương). Theo đó, công ty Thuận Lợi xin gia hạn đến hết Quý I/2021.

Lý do được chủ đầu tư dự KDC Cầu Đò đưa ra là do UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương tiếp tục thực hiện dự án xây dựng mới Cầu Đò 2 qua sông Thị Tính, theo đó hướng tuyến Cầu Đò 2 sẽ kết nối với đường N13 thuộc dự án Khu dân cư Cầu Đò. Việc xây dựng mới dẫn đến phải điều chỉnh Quy hoạch cục bộ dự án. Lý do khác được Công ty Thuận Lợi viện dẫn việc chồng lấn ranh giữa dự án Khu dân cư Cầu Đò và dự án kè sông Thị Tính.

Một mặt viện lý do xin gia hạn bàn giao sổ đỏ cho khách hàng, mặt khác Công ty Thuận Lợi lại đem Giấy chứng nhận Quyền sử đất trên mang đi thế chấp cho cá nhân, tổ chức để vay tiền.

Chủ đầu tư dự án KDC Cầu Đò xin gia hạn bàn giao sổ đỏ cho khách hàng đến hết quý I/2021.

Chủ đầu tư dự án KDC Cầu Đò xin gia hạn bàn giao sổ đỏ cho khách hàng đến hết quý I/2021.

Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi có được tại dự án KDC Cầu Đò, Công ty Thuận Lợi đã có hợp đồng vay đối với cá nhân bà H.T.T.A (SN:1980, ngụ TP.Biên Hoà, Đồng Nai) được ký ngày 12/6/2019 tại Văn phòng Công chứng Thành phố mới Bình Dương với tài sản thế chấp là 6 lô đất với các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có các số hiệu CH413602; CH 413642; CH 413625; CH 413628; CH 413635; CH 413667 đều do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp, tổng diện tích 6 lô đất trên lên đến 26.018,3m2.

Chưa dừng lại, Công ty Thuận Lợi, đại diện là bà Nguyễn Thị Nhung chức vụ thành viên Hội đồng quản trị tiếp tục vay của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Bình Dương có địa chỉ tại số 314 Đại lộ Bình Dương, phường Phú Hoà, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tài sản để đảm bảo cho khoản vay là 24 lô đất với tổng diện tích 110.693m2.

Như vậy, tổng số lô đất công ty Thuận Lợi đem cầm cố cho các cá nhân và tổ chức là 136.711,3m2 đất ở. Nếu tính bình quân một nền đất có diện tích 80m2 thì hơn 1.700 nền đất đã được chủ đầu tư dự án KDC Cầu Đò đem đi cầm cố.

Hơn 1.700 nền đất đã bị chủ đầu tư dự án KDC Cầu Đò đem đi cầm cố.

Hơn 1.700 nền đất đã bị chủ đầu tư dự án KDC Cầu Đò đem đi cầm cố.

Được biết, trước những lùm xùm về việc sai phạm đấu giá tại khu dân cư Cầu Đò và Mỹ Phước 4, mới đây Thanh tra Bộ tư Pháp vào cuộc kết luận thanh tra số 07/KT-TTr ngày 08/04/2020 của Chánh Thanh tra Bộ Tư Pháp, dự án khu dân cư Cầu Đò trước kia là của công ty Thiên Phú thế chấp dự án này cho Agribank chi nhánh Chợ Lớn để vay tiền. Sau đó, Agribank Chợ Lớn và công ty đấu giá Nam Sài Gòn đấu giá 465.620,4m2 đất ở khu dân cư Cầu Đò với giá gần 163 tỷ đồng bao gồm cả đất Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất là 178.359,5m2, vi phạm khoản 2 điều 173 Luật đất đai 2013. Kết luận Thanh tra còn chỉ ra 5 sai phạm nghiêm trọng tại dự án Cầu Đò và Mỹ Phước 4.

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Phú, công ty Luật hợp danh Quốc Việt, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho rằng, người đang chịu thiệt hại nhiều nhất là khách hàng. Bởi mua nhà đã trả đủ số tiền nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ dẫn đến tài sản vốn thuộc quyền sở hữu của mình nhưng không thể thực hiện các giao dịch thế chấp, vay tiền hay mua bán, tặng cho ... Tâm lý khách hàng hoang mang, lo sợ trước nguy cơ bị mất nhà là điều dễ hiểu.

Từ những nhận định trên, Luật sư Phú kiến nghị, Cơ quan chức năng cần phải có những đề xuất có những hướng dẫn, quy định giải quyết những trường hợp đó cho người dân. Khi người dân đã làm đúng pháp luật, đúng quy trình, nộp tiền đầy đủ thì nhà nước phải bảo vệ quyền lợi người dân, phải cấp sổ cho họ chứ không vì lý do tranh chấp hay chủ đầu tư muốn trục lợi mà để người dân chịu thiệt.

Những trường hợp vướng mắc như thế này xảy ra thì cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời, cần thiết thì người dân có thể kiện ra toà. Toà án cũng cần phải có những bản án tuyên bố rõ ràng, gần như là thành những tình huống điển hình, giống như án mẫu, án lệ, làm cho những chủ đầu tư khác, ngân hành, người dân thấy rõ vấn đề và yên tâm.

Bạn nghĩ sao?