Hải Tuyết - 14:00 - 13/04/2021
 
Vừa qua, Cục thuế thành phố Hà Nội (Tổng cục thuế) đã có văn bản số 805/TB-CTHN-TTKT4 về kết quả giải quyết tố cáo của bà T.T.Đ.T đối với Chi nhánh Công ty CP Bao Bì Việt Nam- Xí nghiệp in và bao bì VPC (Xí nghiệp) - Tổng công ty CP Bao Bì Việt Nam có hành vi gian lận liên quan đến hóa đơn, chứng từ.

Theo Cục thuế Hà Nội, Chi nhánh Công ty CP Bao Bì Việt Nam- Xí nghiệp in và bao bì VPC (Xí nghiệp) đã không lập hóa đơn đúng với giao dịch thực tế phát sinh. Cụ thể, Xí nghiệp đã xuất hóa đơn sai thời điểm phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ  (Các hóa đơn liên quan Công ty TNHH Giấy Hưng Hà, Công ty Thành Hải, NXB Kim Đồng, Công ty Mạnh Quang...); không xuất hóa đơn kê khai thuế, xuất hóa đơn sai... với một số đơn vị giao dịch.

Chi nhánh Công ty CP Bao Bì Việt Nam- Xí nghiệp in và bao bì VPC đã không xuất hóa đơn, kê khai thuế đối với phí hoa hồng ủy thác đối với Công ty TNHH Sản xuất giấy và bao bì Phương Đông. Sử dụng số liệu báo cáo của Xí nghiệp để lập báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh và kê khai thuế TNDN hàng năm, làm thiếu số thuế TNDN phải nộp NSNN lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hậu quả trốn thuế, kê khai sai làm thiếu số thuế phải nộp số tiền hơn 320 triệu đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng hơn 2 triệu đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 317 triệu đồng. Cơ quan thuế xác nhận, Xí nghiệp có sai phạm, nhưng "không có đủ cơ sở kết luận Công ty bao che cho sai phạm của Xí nghiệp nhằm mục đích trốn thuế".

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn; trong đó quy định phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế. Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế.

Để làm rõ thông tin khách quan đến bạn đọc, phóng viên Tạp chí Kinh tế tập đoàn đã nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo Công ty CP Bao Bì Việt Nam nhưng đều không gặp được lãnh đạo cơ quan này với lý do “cả cơ quan đều đi họp hết rồi”.

bao bi ha noi

Dự án tại số 1283 Giải Phóng trở thành địa điểm cho thuê kinh doanh đồ điện tử 

Công ty CP Bao bì Việt Nam – VPC có địa chỉ tại số 1283, đường Giải Phóng, tiền thân là  Công ty Bao bì Xuất khẩu - trực thuộc Bộ Thương Mại, được thành lập từ năm 1976.

Hiện nay, lô đất 1283 đường Giải Phóng do PVC quản lý được phê duyệt là Dự án tổ hợp Thương mại, căn hộ chung cư tại số 1283 Giải Phóng

Dự án 1283 đường Giải phóng là sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), Công ty Cổ phần Bao bì Việt Nam và Công ty Cổ phần xây dựng Sông Hồng có mức vốn đầu tư 430 tỷ đồng.

Tòa nhà dự kiến có chiều cao 19 tầng (gồm 15 tầng chung cư và 4 tầng TTTM). Dự án dự kiến khởi công năm 2011 và hoàn thành năm 2013, tuy nhiên cho đến nay tại khu đất của dự án này vẫn đang là cửa hàng kinh doanh đồ điện tử như Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Công ty Cổ phần Bao bì Việt Nam, số tiền phải thu từ doanh nghiệp Công ty CP Thế giới số Trần Anh trong năm 2019 là 1 tỷ 611 triệu đồng, đến cuối năm 2019 là 314 triệu đồng. Tuy nhiên đây là hoạt động không đúng với mục đích sử dụng đất của lô đất “vàng” 1283 Giải Phóng. Bên cạnh đó, tại BCTC cũng khẳng định, VPC đã thế chấp toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại số 1283 Giải Phóng theo hợp đồng tín dụng hạn mức ngày 20/9/2018 với hạn mức 100 tỷ đồng.

HĐND TP Hà Nội đang tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Đã 10 năm chậm triển khai, dù phía VPC khẳng định vẫn đang tiến hành thủ tục đi xin thực hiện dự án đầu tư này, thế nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào cho thấy dự án Dự án tổ hợp Thương mại, căn hộ chung cư số 1283 Giải Phóng sẽ được triển khai thực hiện.

Tổng công ty bao bì Việt Nam – VPC vẫn đang tiếp tục “xẻ thịt” lô đất 1283 Giải Phóng cho nhiều đơn vị bên ngoài thuê kinh doanh. Điển hình như Cửa hàng Điện máy xanh, Cửa hàng điện máy Trần Anh nhiều năm nay. Hay mới đây là doanh nghiệp Công ty CP kỹ thuật điện Việt Nam – Đức.

Bạn nghĩ sao?