Duy Tiên - 08:31 - 07/02/2021
 
Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và 2019).

Các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bảo hiểm mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (Luật số 61/2010/QH12) và Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Luật số 42/2019/QH14).

Thị trường bảo hiểm tăng trưởng nhanh

Trong giai đoạn 2000-2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm...

bao hiem

 

Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Hiện nay, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, do Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế, nên thị trường cũng bộc lộ một số tồn tại và cơ chế chính sách cũng có những bất cập chưa theo kịp với thực tế.

Một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự (không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm), dẫn đến khó khăn trong thực hiện, thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm cũng có những tồn tại, thể hiện là chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao, trong đó: Vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau).

Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm...

Do vậy, việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm là thực sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách và sự tồn tại của thị trường, để có hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam và hướng theo các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với thị trường bảo hiểm, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh; tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Các tổ chức, cá nhân sẽ có thêm nhiều lựa chọn do mọi thông tin đều công khai, minh bạch, nhiều cách thức tiếp cận với doanh nghiệp bảo hiểm; tiết kiệm được chi phí.

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm

Về cấp giấy phép thành lập và hoạt động: Bổ sung phạm vi hoạt động sang một số sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác cho doanh nghiệp bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bỏ tài liệu về quy tắc, điều khoản, biểu phí tại hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động; bỏ yêu cầu phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo Bộ Tài chính trước khi có thay đổi,..Về tổ chức hoạt động: Bổ sung toàn bộ quy định tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm các hiện diện thương mại (trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện,..), cơ cấu tổ chức và về những người quản lý phải có của doanh nghiệp bảo hiểm, các nguyên tắc phân công, đảm nhiệm chức vụ nhằm tránh kiêm nhiệm nhiều, miễn nhiệm, bãi nhiệm, đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.

Về hoạt động nghiệp vụ: Bổ sung toàn bộ các quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí.

Đối với hợp đồng bảo hiểm, dự thảo nêu rõ: Về hợp đồng bảo hiểm con người: Sửa đổi, bổ sung quy định về thông báo tuổi trong bảo hiểm nhân thọ, giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết để phù hợp với Bộ luật dân sự; Bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm, quy định về việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trừ trường hợp có thỏa thuận tại hợp đồng, về người thụ hưởng, hợp đồng bảo hiểm nhóm.

Về hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại: Bổ sung quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị, chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn để doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động thực hiện quyền thế quyền.

Về phòng chống gian lận bảo hiểm: Bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xây dựng quy trình khai thác, thẩm định, bồi thường để xác định, đánh giá đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về người được bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, hồ sơ, tài liệu có liên quan trước khi có quyết định bảo hiểm, chi trả tiền/bồi thường bảo hiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Về giải quyết tranh chấp: Bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp, trọng tài bảo hiểm, tiêu chuẩn trọng tài viên bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của trọng tài bảo hiểm, phán quyết trọng tài bảo hiểm.

Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; duy trì sự công bằng, an toàn và ổn định của thị trường bảo hiểm. Tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực Châu Á thông qua việc đổi mới mô hình quản lý, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh bảo hiểm, nâng cao chất lượng tăng trưởng của thị trường.

Bạn nghĩ sao?