PV - 08:13 - 06/11/2020
 
Ngày 29/10/2020, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) - ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - đã hoàn tất mua 50 triệu cổ phiếu HAG. Giao dịch thực hiện thông qua thoả thuận. Theo đó, ông Đức hiện đã tăng sở hữu tại HAG lên 40,62% vốn, tương đương gần 377 triệu cổ phần.
1

Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) - ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) .

Được biết trong phiên 29/10 có 64,1 triệu cổ phiếu HAG được thỏa thuận với tổng trị giá 307,6 tỷ đồng, tương ứng giá thỏa thuận 4.800 đồng/cp cao hơn thị giá hiện tại là 4.450 đồng/cp.

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Đức từng tuyên bố với cổ đông sẽ mua thêm HAG khi nào có tiền. Tại Đại hội mới nhất 2020, ông Đức cũng tuyên bố sẽ tăng sở hữu tại công ty nông nghiệp là HAGL Agrico trong tương lai không xa.

Nửa đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu 1.470 tỷ đồng, tăng 59%; lỗ sau thuế 134 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lỗ 706 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ vẫn ghi nhận 107 tỷ đồng.

Năm 2020, công ty đề ra chỉ tiêu doanh thu 5.082 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với kết quả năm 2019. Tỷ trọng nguồn thu năm nay chủ yếu đến từ mảng cây ăn trái với mức 92%, tiếp đến là mủ cao su và cây khác chiếm tỷ trọng dự kiến 3%.

Trong đó, không chỉ mảng trái cây với những tín hiệu tích cực thời gian qua, mảng cao su của HAGL cũng đang đứng trước cơ hội lớn từ giá cao su tăng vọt. Ghi nhận, giá cao su tăng lên mức cao nhất gần 12 năm trong phiên 29/10, sau khi kết quả điều tra của Reuters cho thấy kinh tế Trung Quốc năm 2021 dự báo sẽ hồi phục mạnh.

Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 4/2021 tăng 20,1 JPY (7,9%) lên 274,3 JPY/kg, cao nhất kể từ tháng 3/2017. Đây cũng là phiên giá tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2008. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1 năm sau cũng tăng 6% lên 16.535 CNY/tấn – cao nhất trong vòng hơn 3 năm.

Về phía HAGL, cuối năm 2019 Tập đoàn đang duy trì công tác chăm sóc 31.085 ha cao su, trong đó 18.200 ha tại Lào, 1.680 ha tại Việt Nam và 11.205 ha tại Campuchia. HAGL đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác.

Bạn nghĩ sao?