Tuyết Sơn - 11:13 - 01/04/2021
 
Phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu vào ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ “8G” để dễ vận dụng trong thực tiễn.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là lần thứ 3 trong nhiệm kỳ, Thủ tướng chủ trì hội nghị quy mô lớn về một ĐBSCL thịnh vượng và phát triển bền vững, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với sự phát triển của vùng đồng bằng chiếm 20% dân số cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Hội nghị được phát sóng trực tiếp trên các đài truyền hình của 13 địa phương của ĐBSCL, trên Cổng TTĐT Chính phủ, trên trang Facebook Thông tin Chính phủ thể hiện sự “phủ sóng” rộng rãi, thu hút sự quan tâm lớn của cả nước.

Nói về các kết quả trong đầu tư phát triển ĐBSCL thời gian gần đây, Thủ tướng lưu ý: “Không được kể công mà kết quả này hay là nhiệm vụ tới là trách nhiệm của Chính phủ, của cán bộ, công chức, của Thành ủy, của Tỉnh ủy, của UBND các tỉnh, thành phố”. Chúng ta biết các kết quả đó là đáng mừng nhưng kết quả đó chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm.

Từ các báo cáo của bộ, ngành, ý kiến của các địa phương và các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu khái lược quan điểm chiến lược tiếp cận mới mà Thủ tướng gọi là “8G” để dễ vận dụng trong thực tiễn cho vùng ĐBSCL.

dong bang song cuu long

Chiến lược tiếp cận mới mà Thủ tướng gọi là “8G” để dễ vận dụng trong thực tiễn cho vùng ĐBSCL. 

Chữ “G”  đầu tiên là “Giao”. Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.

Chúng ta đưa ra Nghị quyết 120 với tinh thần là thuận thiên, là thích ứng nhưng “không phải chúng ta giao cho trời đất, tác động thế nào cũng được mà cái chính là những công trình giao thông, thủy lợi cần phải được quan tâm, những nơi sạt lở, gây mất mát cho đồng bào chúng ta thì cần phải được quan tâm”.

Chữ G thứ hai là Giáo. Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng nội hàm của mô thức “giáo dục, giáo dục và giáo dục”.

Cụ thể là giáo dục cơ bản, đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, cần phải được học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì không có điều kiện tài chính. Giáo dục thứ hai là giáo dục nghề, đảm bảo cho người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản. Thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở để chuyển đổi lên bậc nấc cao hơn về năng suất và thu nhập, bắt kỳ nhóm thu nhập cao của cả nước.

Thủ tướng cho rằng, vấn đề giáo dục đào tạo chưa được nổi bật và sắc nét trong Nghị quyết 120, đề nghị bổ sung một số nội dung trọng tâm về vấn đề này vào Nghị quyết.

Chữ G thứ 3 là  “Giang” (sông). Kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông như Tiền Giang, Hậu Giang và nhiều con sông khác. Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công. Không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nói tới khi nhắc về ĐBSCL. Vấn đề này vẫn còn mờ nhạt trong Nghị quyết 120, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông”.

cho noi

 8 chữ G trong tiếp cận mới đối với Đồng bằng sông Cửu Long

Chữ G thứ tư là  “Gắn”. Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắng liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.

Chữ G thứ 5 là  “Giàu”. Đó là tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Để có nguồn lực phát triển cần phải xây tổ đón ‘đại bàng”. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.

Chữ G thứ 6 là  “Giỏi”, là tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng này. Vấn đề này vẫn chưa được đề cập trong Nghị quyết 120, đây là một thiếu sót, Thủ tướng đề nghị phải phát huy vai trò, thu hút tốt hơn nữa những tài năng đến với ĐBSCL.

Chữ G thứ 7 là  “Già”. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế xã hội lẫn môi trường. Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120 chúng ta thấy vấn đề già hóa dân số đang nổi lên nhưng nội hàm này vẫn còn thiếu trong Nghị quyết, cần được bổ sung, hoàn thiện.

Chữ G thứ 8 là  “Giới”. Tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Thủ tướng đề nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết 120.

Bởi sự phát triển của khoa học công nghệ, ở một góc độ nào đó, đe dọa đến cơ hội việc làm cho phụ nữ. Do đó cần có chiến lược để đảm bảo phụ nữ được giáo dục và tiếp cận việc làm.

Nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên”, nhưng Thủ tướng cho rằng, phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp, bảo đảm phát huy lợi thế, bảo đảm phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy, hoàn thiện các thị trường, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt là phải linh hoạt trong các quy hoạch, chuyển đổi cây trồng có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, cho thu nhập cao hơn, đảm bảo sinh kế cho người dân… Trong chức năng nhiệm vụ được giao, từng bộ, ngành sẽ thực hiện những công việc cụ thể.

Bạn nghĩ sao?