Hoàng Ngân - 09:00 - 24/11/2020
 
Thị trường bất động sản công nghiệp năm 2021 sẽ đón thêm 6 dự án với tổng diện tích đất hơn 3.700 ha. Phần lớn các dự án nằm ở phía Bắc nhưng nguồn cung lớn đến từ phía Nam.
1

 

Thống kê từ Savills, tính đến hết tháng 6/2020, Việt Nam có khoảng 374 khu công nghiệp với tổng diện tích 114.000 ha.

Trong đó, có 280 khu công nghiệp đang hoạt động trên diện tích 77.000 ha và đã lấp đầy gần 74%. Khoảng 75 khu công nghiệp còn lại chiếm diện tích 29.000 ha đang trong xây dựng và giải phóng mặt bằng.

Khu vực miền Bắc có khoảng 61 khu công nghiệp với tổng qui mô trên 18.450 ha, tập trung tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.

Trong đó, phần diện tích đã cho thuê trong toàn khu vực chiếm gần 11.410 ha và tỉ lệ lấp đầy trung bình đạt 86%. Giá thuê đất tính trên một chu kì cho thuê vào khoảng 91 USD/m2 và giá thuê nhà xưởng mỗi tháng khoảng 4,1 USD/m2.

Hà Nội là địa phương có giá thuê cao nhất với 129 USD/m2/chu kì thuê. Hải Phòng và Bắc Ninh có giá thuê tương đương, dao động 95 - 96 USD/m2/chu kì thuê.

Nhìn chung, nguồn cung và hiệu suất ở khu vực miền Nam dồi dào hơn. Khu vực này có khoảng 125 dự án khu công nghiệp với tổng quĩ đất 43.482 ha, tập trung ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TP HCM và Tây Ninh.

Các khu công nghiệp có tỉ lệ lấp đầy trung bình 85% và đã cho thuê 27.812 ha. Riêng tại Bình Dương, tỉ lệ lấp đầy đã đạt 99%. Giá thuê đất cho một chu kì dài hạn rơi vào 104 USD/m2, còn giá thuê nhà xưởng mỗi tháng vào khoảng 4,4 USD/m2.

Ngoài TP HCM là nơi có giá thuê đắt đỏ với 147 USD/m2/chu kì thuê thì Long An và Bình Dương cũng có giá thuê khá cao, lần lượt ghi nhận 123 USD/m2/chu kì thuê và 107 USD/m2/chu kì thuê.

Theo dự báo của Savills, năm 2021 sẽ có thêm 6 khu công nghiệp gia nhập thị trường với tổng diện tích 3.733 ha. Trong đó, có 4 dự án nằm ở phía Bắc (934 ha) và hai dự án ở phía Nam (2.799 ha).

Hai khu công nghiệp lớn nhất nằm ở phía Nam gồm Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (999 ha) dự kiến đi vào hoạt động trong quí II và Khu công nghiệp Việt Phát (1.800 ha) ở Long An sẽ đi vào hoạt động trong quí cuối năm sau.

2

 

1. Khu công nghiệp Nam Tràng Cát

Thông tin từ Savills, từ quí II/2021, thị trường miền Bắc sẽ đón nhận Khu công nghiệp Nam Tràng Cát có qui mô 200 ha nằm ở thành phố cảng Hải Phòng, do CTCP Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ), công ty con của Vinhomes (Mã: VHM), làm chủ đầu tư.

Trong báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh quí III vừa qua, Vinhomes đưa ra dự kiến có khoảng 373 ha đất công nghiệp cho thuê trong hai năm tới, chiếm 66% tổng diện tích ba khu công nghiệp của Vinhomes tại Hải Phòng.

2. Khu công nghiệp Phú Mỹ 3

Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 có tổng diện tích 999 ha, do CTCP Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư và có tổng mức đầu tư 6.000 tỉ đồng.

Theo qui hoạch, khu công nghiệp bao gồm các phân khu: KCN hỗ trợ (281 ha), KCN nặng (118 ha), khu cảng và logistics (132 ha); khu nhà ở, đô thị (56 ha) và sân golf,…

Dự án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai 376 ha (diện tích cho thuê 286 ha), giai đoạn 2 triển khai 506 ha (diện tích cho thuê 361 ha). Giai đoạn 1 được bắt đầu xây dựng từ tháng 8/2015 và hoàn thiện, cho thuê từ năm 2017.

Tính đến cuối năm 2019, giai đoạn 1 của dự án đã cho thuê được 150 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 54% và giá thuê vào khoảng 150 USD/m2, theo thông tin từ Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 và theo dự kiến, giai đoạn 2 của dự án sẽ được đưa vào vận hành từ quí II năm sau.

3. Khu công nghiệp Thủy Nguyên

Khu công nghiệp Thủy Nguyên có qui mô gần 320 ha, nằm trên địa bàn các xã Trung Hà, Thủy Triều, An Lư, Ngũ Lão, Lập Lễ, thuộc thành phố cảng Hải Phòng.

Trong đó, một phần đất của dự án nằm trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đầu tháng 4 năm nay, Báo Đấu thầu thông tin CTCP Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ) đề xuất đầu tư hơn 4.141 tỉ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thủy Nguyên.

4. Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh

Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh có tổng diện tích gần 433 ha, do Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) làm chủ đầu tư. Theo số liệu Savills, khoảng 238 ha đất thương phẩm từ dự án này sẽ được đưa vào thị trường trong hai quí cuối năm 2021.

Thông tin từ chủ đầu tư, đây cũng là khu công nghiệp còn lại duy nhất của Kinh Bắc tại Bắc Ninh trong giai đoạn tới (Khu công nghiệp Quế Võ đã lấp đầy 100%).

Trong năm 2019, Kinh Bắc đã đầu tư gần 100 tỉ đồng cho việc san lấp, khảo sát thiết kế trạm nước sạch trên qui mô 100 ha đất đã đền bù, nâng tổng giá trị đã đầu tư cho khu công nghiệp này lên gần 458 tỉ đồng.

Theo kế hoạch năm nay, Kinh Bắc sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lí, giải phóng mặt bằng phần đất còn lại và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bàn giao đất cho những nhà đầu tư đã đăng kí thuê đất đúng thời hạn.

5. Khu công nghiệp Sông Lô 1

Khu công nghiệp Sông Lô 1 có qui mô khoảng 177 ha, thuộc địa bàn ba xã Đức Bác, Đồng Thịnh, Tứ Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một trong 6 khu công nghiệp nằm trong kế hoạch Ban quản lí các KCN tỉnh Vĩnh Phúc sẽ cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư trong năm nay.

Thông tin từ Savills, dự án này do CTCP Đầu tư TNI Holdings làm chủ đầu tư, dự kiến ra mắt thị trường cùng thời điểm với các Khu công nghiệp Thủy Nguyên và Nam Sơn Hạp Lĩnh.

6. Khu công nghiệp Việt Phát

Khu công nghiệp Việt Phát có qui mô 1.800 ha, được qui hoạch theo mô hình kết hợp khu công nghiệp và khu đô thị. Trong đó, diện tích đất dành cho khu công nghiệp hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị hơn 625 ha.

Dự án do CTCP Đầu tư Tân Thành Long An làm chủ đầu tư và CTCP Quản lí Khu công nghiệp Sáng tạo Việt Nam (VNIP) làm đơn vị phát triển. Ngày 18/5 vừa qua, dự án chính thức được khởi công.

Theo đánh giá của ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, nhiều nhà sản xuất sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược "Trung Quốc +1" nhằm tìm cách giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường và đa dạng hóa địa điểm.

Với những lợi thế sẵn có như môi trường kinh doanh ổn định, lực lượng lao động dồi dào và chi phí nhân công rẻ, hạ tầng ngày càng phát triển, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp,... Việt Nam sẽ thu hút nguồn cầu lớn hướng về các khu công nghiệp trong tương lai.

Bạn nghĩ sao?