Xuân Bắc - 08:56 - 28/12/2020
 
Tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực bất chấp đại dịc Covid – 19; Xuất siêu đạt mức kỷ lục; TTCK Việt Nam phục hồi ngoạn mục; Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ... là một số điểm nhấn của kinh tế Việt Nam năm 2020.

1. Tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực bất chấp đại dịc Covid - 19

1

 

Do vật lộn với tỷ lệ lây nhiễm, tử vong cao vì Covid-19, nhiều quốc gia đã phải đóng cửa, giãn cách xã hội thời gian dài, khiến hàng loạt nền kinh tế suy thoái, tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.

Trong khi đó, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển, phục hồi kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng cả năm là 2,5-3% của Chính phủ là trong tầm tay.

Nền kinh tế không bị giãn cách quá lâu, sớm vận hành bình thường, duy trì sản xuất trong nước và xuất khẩu. Chính phủ cũng triển khai hàng loạt chính sách cứu trợ như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng thuê đất trị giá 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng , gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư công - đặc biệt tăng tốc vào cuối năm, kích cầu tiêu dùng nội địa, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài...

Năm 2020, theo đánh giá của IMF, tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới với mức tăng 2,4% trong khi toàn cầu sụt giảm 4,4%. ADB và WB cùng nhận định Việt Nam là điểm sáng của kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng được dự báo 2,3-2,8% - cao nhất khu vực.

2. Hàng loạt thỏa thuận thương mại quan trọng được kí kết

2

 

2020 là một năm Việt Nam gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại, đặc biệt với dấu ấn đàm phán thành công Hiệp định Thuơng mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 9 năm. Đây được xem là hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2020 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như "đường cao tốc" nối liền Việt Nam và châu Âu.

EVFTA có hiệu lực từ 1/8, khởi động quá trình loại bỏ gần 99% dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng 10 năm tới, giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường EU có GDP trị giá 15.000 tỷ USD. Theo tính toán của HSBC, EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm.

Tuy nhiên, EVFTA sẽ không còn áp dụng với Anh sau 31/12/2020 vì Brexit. Để không gián đoạn thương mại, Việt Nam cũng đã hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại riêng với Anh ngay trong năm. Hiệp định thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau. Khi FTA này được áp dụng hoàn toàn, Việt Nam và Anh sẽ tiết kiệm lần lượt 3.420 tỷ đồng và 1.080 tỷ đồng mỗi năm tiền thuế xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt cũng có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan..., những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.

3. Việt Nam trở thành sáng lập viên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

3

 

 Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 do Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand được kỳ vọng sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với tổng GDP là 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu.

Cùng với RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại cho Việt Nam trong giai đoạn tới. RCEP có nhiều ý nghĩa, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô lớn nhất thế giới khi chiếm 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.

4. Xuất siêu đạt mức kỷ lục

4

 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy nặng nề, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đạt mức cao. Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm nay đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD

Năm 2020, Việt Nam có tới 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Theo văn bản số 223/BC-TCTK, ngày 28/11/2020, báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

5. TTCK Việt Nam phục hồi ngoạn mục bất chấp dịch Covid-19

5

 

Đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam từ cuối tháng 1-2020, sớm hơn thế giới tới gần một tháng. Phản ứng của các nhà đầu tư trên toàn cầu đã dẫn đến một đợt sụt giảm nhanh và mạnh chưa từng thấy trên các TTCK. VN-Index chỉ trong hai tháng sau đó đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm.

Tuy nhiên cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh thành công, TTCK Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng trong chín tháng còn lại của năm 2020 với mức tăng trưởng gần 60% kể từ đáy và tăng so với cuối năm 2019 hơn 9% (năm 2019 mức tăng trưởng của VN-Index chỉ 7,67%). Đây là diễn biến phục hồi ngoạn mục.

Thị trường TTCK Việt Nam cũng xác lập kỷ lục hai tháng liên tiếp (vào tháng 9 và tháng 10) khi có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Sau 20 năm kể từ ngày đi vào vận hành (28/7/2000 - 28/7/2020), thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

6. Ngân hàng Nhà nước 3 lần giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ nền kinh tế

6

 

Năm 2020, lần đầu tiên chỉ trong vòng 1 năm, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất điều hành đã giảm từ 1,5-2,0%/năm; trần lãi suất tiền gửi giảm từ 0,6-1,0%/năm; trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm...

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đã hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do tác động của COVID-19.

7. Dấu ấn năm làm chủ tịch ASEAN

7

 

Việt Nam tiếp quản chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 đúng thời điểm đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng "tứ bề" và cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là Mỹ - Trung, tăng cao. Dưới sự chèo lái của Việt Nam theo chủ đề Gắn kết và chủ động thích ứng, ASEAN đã ứng phó tốt với đại dịch, đồng thời đảm bảo thực hiện các ưu tiên đặt ra cho năm 2020, về cả phát triển nội khối và đối ngoại, cũng như tầm nhìn phục hồi và phát triển hậu Covid-19.

ASEAN đã nhanh chóng thành lập Quỹ ứng phó với Covid-19 ASEAN và Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, với hàng chục triệu USD được cam kết đóng góp từ các nước ASEAN và đối tác. ASEAN cũng ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, tuyên bố riêng đầu tiên về chủ đề hoà bình và an ninh khu vực. Đặc biệt, việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán được cho là thành công lớn của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. RCEP tạo nên một thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

"Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực, nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà đã trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19 hiện nay", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị Tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 ngày 11/12.

8. Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ

8

 

Được xác định là một trong những mũi giáp công cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành một nội dung quan trọng được Chính phủ tập trung chỉ đạo.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp giao ban để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thậm chí, Chính phủ còn thành lập các đoàn công tác, xuống từng địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công…

Những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng khi 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406.800 tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%). Có 15 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11/2020 đạt trên 75%, trong đó 9 bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%.

Một số dự án đạt kết quả tốt như: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tổng số vốn đã giải ngân đạt trên 77%. Ba dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công là Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu giải ngân cũng đạt trên 75%...

9. Thiên tai dị thường, gây thiệt hại lớn

9

 

Năm 2020, thiên tai diễn biến bất thường trên cả nước với 16 loại hình khác nhau, trong đó có 13 cơn bão; 264 trận giông, lốc, mưa lớn ở 49 tỉnh, thành.

Hạn mặn kéo dài từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020, ảnh hưởng 10 trên tổng số 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành đợt hạn mặn "nghiêm trọng nhất trong lịch sử", theo nhận xét của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đợt hạn mặt này vượt xa năm 2016 (được cho là 100 năm mới lặp lại) về quy mô ảnh hưởng và mức độ thiệt hại.

Trong gần bảy tháng, nhiều nơi ở miền Tây kênh rạch trơ đáy, lúa chết khô trên đồng ruộng nứt nẻ. Người dân xếp hàng dài nhận tem phiếu để mua nước ngọt tưới cây, sinh hoạt. Hơn 96.000 hộ dân chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Trên 42% diện tích tự nhiên của toàn vùng bị ảnh hưởng, tương đương với gần 1,7 triệu ha (cao gấp ba lần 2016); khoảng 41.900 ha lúa đông xuân 2019-2020 bị thiệt hại; 355 ha cây ăn trái mất trắng.

Chỉ trong tháng 10 và 11/2020 có tới 7 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung, trong đó bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Mưa lũ kéo dài gây sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế), Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến nhiều người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long; động đất ở Mường Tè (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La)… cũng gây tổn thất lớn về người và tài sản.

Trong năm, ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là 38.400 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 31.700 tỷ đồng. Những diễn biến bất thường của khí hậu cũng đặt ra khuyến cáo cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với rừng phòng hộ, các công trình thủy điện...

10. Hàng không và du lịch gặp khó, doanh nghiệp giải thể tăng cao

10

 

Đại dịch COVID-19 được coi là thách thức lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp. Trong 11 tháng đầu năm 2020 có 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, tập trung vào khu vực doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, ăn uống, bất động sản, dịch vụ môi giới, logistics, sản xuất nhỏ lẻ, vận tải nhỏ…

Số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh, khiến mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ) không đạt được.

Năm 2020, lĩnh vực hàng không và du lịch trải qua một năm khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Theo đó, chỉ riêng Vietnam Airlines đã lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng dự báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm gần 50%. Ước tính tổng thiệt hại của ngành du lịch lên đến 530.000 tỷ đồng.

Bạn nghĩ sao?