Hà Đông - 08:26 - 12/12/2020
 
Trong giai đoạn 2020-2030 TPHCM cần 95.800 tỉ đồng để phát triển ngành dịch vụ hậu cần (logistics) nhằm đạt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của logistics vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM đến 2030 đạt 12%.

 Nội dung này được đề cập trong Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP HCM đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 vừa được chính quyền thành phố duyệt. Đây cũng là một trong 45 đề án thuộc chương trình đột phá, trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

1

 

Đánh giá tầm quan trọng của ngành logistics TP HCM khi giúp vận chuyển toàn bộ hàng hóa lưu thông nội địa và xuất nhập khẩu, đề án đã đưa ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Trong đó, về hạ tầng logistics, thành phố sẽ xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai cùng hệ thống đường cao tốc để kết nối với các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, TP HCM sẽ thúc đẩy vận tải hàng hóa bằng đường thủy và đường sắt; tăng cường kết nối vận tải đa phương thức đến các trung tâm logictics, ICD, kho bãi, trung tâm phân phối phục vụ hàng xuất nhập khẩu và nội địa.

Trong đề án cũng đề xuất 7 vị trí để xây dựng thành các trung tâm logistics gồm Long Bình (quận 9); Cát Lái (quận 2, 9); Linh Trung (Thủ Đức); khu công nghệ cao (quận 9); Tân Kiên (Bình Chánh), Củ Chi và Hiệp Phước (Nhà Bè).

Ngoài 7 vị trí được đề xuất trên, còn có khu vực xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn rất thuận lợi để phát triển thành trung tâm logistics phục vụ phân phối nội địa sau năm 2030.

Với nhiều giải pháp đưa ra, TP HCM đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đến 2025 đạt 15%; đến năm 2030 đạt 20%. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của TP HCM đến 2025 đạt 10% và đến 2030 là 12%. Kết quả này sẽ góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến 2025 khoảng 10-15%.

Còn thực tế hiện nay, đề án cho rằng TP HCM có hơn 1.500 kho hàng nhưng phần lớn phát triển tự phát, quy mô không đồng đều, khai thác chưa hiệu quả, vận hành không chuyên nghiệp. Về vận tải biển, cụm Tân Cảng Cát Lái trong sông Đồng Nai đang bị quá tải, giao thông tắc nghẽn vào giờ cao điểm; còn cụm Tân Cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp nhỏ lẻ, sản lượng không đáng kể.

Nhìn chung, cụm cảng khu vực TP HCM thiếu liên kết, luồng vào và độ sâu bến thường hẹp và nông, nên hạn chế tàu có trọng tải lớn vào hoạt động. Trong khi đó, cảng hàng không, ga hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị hạn chế về thời gian lưu thông, thường xuyên bị kẹt...

Hệ thống giao thông kết nối TP HCM với các khu vực khác chủ yếu qua tuyến quốc lộ đang bị quá tải, trong khi đó các dự án cao tốc chậm triển khai, tuyến vành đai chưa khép kín làm giảm năng lực vận chuyển hàng hóa.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cơ cấu chi phí logistics ở Việt Nam bao gồm 60% chi phí vận tải, 21% cho hoạt động xếp dỡ và 12% là kho bãi. Vận tải đường bộ là loại hình chiếm hơn 77% thị phần vận tải, nhưng tình trạng mất cân đối giữa chiều đi - về gây ra lãng phí lớn...

Bạn nghĩ sao?